Trong triết học Spinoza Conatus

Xem thêm: Baruch Spinoza

Conatus là chủ đề chính trong triết học Benedict de Spinoza (1632–1677). Theo Spinoza, "mỗi thứ, trong phạm vi của nó, đều tự thân kiên trì nỗ lực" (Đạo đức, phần 3, mệnh đề 6). Spinoza đưa ra một vài lý do cho nhận định này. Đầu tiên, các phương thức của Chúa là những đặc tính: mỗi phương thức thể hiện quyền năng của Chúa theo một cách khác nhau (Đạo đức, phần 3, mệnh đề 6, đã dẫn). Hơn nữa, các phương thức đó không bao giờ mâu thuẫn với nhau (Đạo đức, phần 3, mệnh đề 5); do đó, mọi thứ "chống lại bất kỳ điều gì có thể tước đi sự tồn tại của nó" (Đạo đức, phần 3, mệnh đề 6, đã dẫn). Spinoza phát triển sự phản kháng hủy diệt này theo khía cạnh nỗ lực để tiếp tục tồn tại. Khi mô tả khái niệm trên, từ ông thường dùng nhất là conatus.[34]

Benedictus de Spinoza

Nỗ lực kiên trì không đơn thuần chỉ là thứ thêm vào những hoạt động khác của một vật. Đúng hơn, nỗ lực là "không gì khác ngoài bản chất của vật" (Đạo đức, phần 3, mệnh đề 7). Giống Descartes, Spinoza cũng sử dụng thuật ngữ conatus để chỉ các khái niệm sơ khai của quán tính.[4] Vì một vật không thể bị phá hủy mà không chịu ảnh hưởng từ ngoại lực, nên hai trạng thái chuyển động và đứng yên cũng sẽ tồn tại cho đến khi chịu tác động.[34]

Biểu hiện trong chuyển động

Khái niệm conatus trong tâm lý học của Baruch Spinoza bắt nguồn từ cả cổ đại và trung cổ. Spinoza tái lập các nguyên tắc mà những triết gia khắc kỷ, Cicero, Laërtius, và đặc biệt là Hobbes và Descartes đã phát triển.[35] So với lý thuyết của Hobbes, nhận định của Spinoza có một điểm khác biệt quan trọng: ông tin rằng conatus ad motum (conatus để chuyển động), không phải tinh thần, mà là vật chất.[36]

Qua thuyết tất định, Spinoza cho thấy niềm tin của ông rằng con người và tự nhiên được thống nhất theo một bộ quy tắc nhất quán, Chúa cùng tự nhiên là một, và ý chí tự do không tồn tại. Ông bác bỏ giả thuyết nhị nguyên rằng tâm trí, chủ định, đạo đức và tự do phải được coi là tách biệt với thế giới tự nhiên của các đối tượng và sự kiện vật lý.[37] Ông muốn đưa ra một lời giải thích nhất quán về tất cả những điều trên trong khuôn khổ của chủ nghĩa tự nhiên, và khái niệm conatus là trọng tâm của dự án này. Ví dụ, với Spinoza, một hành động "tự do" khi và chỉ khi nó phát sinh từ bản chất và conatus của một thực thể. Tự do ý chí tuyệt đối vô điều kiện không thể tồn tại, vì mọi sự kiện trong thế giới tự nhiên, gồm cả các hành động và lựa chọn của con người, đều đã được quyết định theo các quy luật tự nhiên không thể tránh khỏi của vũ trụ. Tuy nhiên, một hành động vẫn có thể tự do, theo nghĩa không bị ràng buộc hoặc chịu tác động của ngoại lực.[38]

Do đó, con người là một bộ phận cấu thành tự nhiên.[34] Spinoza giải thích rằng những hành vi có vẻ không theo quy tắc của con người mới thực sự "tự nhiên", hợp lý và được thúc đẩy bởi nguyên tắc conatus.[39] Từ đó, ông thay thế khái niệm ý chí tự do bằng conatus - nguyên tắc có thể áp dụng cho vạn vật trong tự nhiên chứ không chỉ con người.

Cảm xúc và cảm nhận

Quan điểm của Spinoza về mối quan hệ giữa conatus và cảm xúc của con người không thực sự rõ ràng. Trợ lý giáo sư triết học Đại học Nghệ thuật Maryland Firmin DeBrabander và giáo sư khoa học thần kinh Đại học Nam California Antonio Damasio đều cho rằng cảm xúc của con người bắt nguồn từ conatus và động lực vĩnh viễn hướng tới hoàn hảo.[40] Thật vậy, Spinoza viết trong tác phẩm Đạo đức của mình rằng hạnh phúc "bao hàm khả năng tự bảo tồn của con người". Spinoza còn đặc biệt coi “nỗ lực” này coi là “nền tảng của đức hạnh".[41] Ngược lại, bất kỳ điều gì đi ngược với conatus của một người sẽ khiến người đó buồn khổ.[42]

Giáo sư Đại học Yale David Bidney (1908–1987), không đồng ý với nhận định trên. Ông cho rằng "ước muốn" - một loại cảm nhận chính - và nguyên tắc conatus của Spinoza có mối liên kết chặt chẽ. Bản chú giải phần 3, mệnh đề 9 của tác phẩm Đạo đức ủng hộ quan điểm này, chỉ ra rằng "không có khác biệt nào giữa thèm ăn và ước muốn, ngoại trừ việc ước muốn, nói chung, liên quan đến con người trong chừng mực họ ý thức được sự thèm ăn. Vì vậy, khái niệm ước muốn có thể được định nghĩa là sự thèm ăn và ý thức về nó."[4] Theo Bidney, ước muốn này bị điều khiển bởi các cảm nhận khác, khoái lạc và đau đớn. Do đó, conatus sẽ nỗ lực hướng tới điều dẫn đến niềm vui và tránh các nguyên nhân gây ra đau đớn.[43]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Conatus http://dictionary.reference.com/browse/conatus http://www.informatik.uni-leipzig.de/~duc/Dict/ http://www.bu.edu/wcp/Papers/Mode/ModePiet.htm http://www4.ncsu.edu/~dmjphi/Main/Papers/Hobbesian... http://plato.stanford.edu/entries/emotions-17th18t... http://plato.stanford.edu/entries/spinoza-psycholo... http://www.iep.utm.edu/s/spinoza.htm http://1libertaire.free.fr/DRabouinEntreDeleuzeFou... //doi.org/10.1016%2F0039-3681(80)90003-5 //doi.org/10.1080%2F000337999296328